“GIẤY ỦY QUYỀN” HAY “HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN” HAY “HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN THỤ ỦY”

Hiện nay, để một người khác giúp mình thực hiện một số công việc nhất định một cách chính danh, bên có nhu cầu sẽ lựa chọn hình thức ủy quyền. Tuy nhiên, thực tế có các hình thức tồn tại của giao dịch này như “Giấy ủy quyền” “Hợp đồng ủy quyền” “Hợp đồng ủy quyền thụ ủy”, vậy để biết trường hợp của mình nên chọn loại hình thức nào cho phù hợp và đúng pháp luật, hãy tham khảo quy định dưới đây:

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự:

Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo đó, có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản, dễ nhận biết nhất ở đây giữa “Giấy ủy quyền” và “Hợp đồng ủy quyền” là Giấy ủy quyền chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền, trong khi đó Hợp đồng ủy quyền cần chữ ký của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền.

 

Căn cứ theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch:

Điều 24. Thủ tục chứng thực chữ ký

4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.”

Căn cứ theo Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch do Bộ Tư pháp ban hành:

Điều 14. Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP

1. Việc ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

3. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.”

Theo đó, một điểm khác biệt nữa để phân biệt giữa Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền là nội dung giao dịch ủy quyền, Giấy ủy quyền chỉ sử dụng với các giao dịch “không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản” , các giao dịch ủy quyền còn lại phải lựa chọn hình thức là Hợp đồng ủy quyền mới phù hợp.

Căn cứ Luật Công chứng:

Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền

1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Theo đó, Hợp đồng ủy quyền mà bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền không thể ký tại cùng một tổ chức hành nghề công chứng thì người ta gọi cái tên dân gian là “Hợp đồng ủy quyền thụ ủy“, bản chất và giá trị của nó hoàn toàn giống với Hợp đồng ủy quyền.

Liên hệ với chúng tôi
Chat qua zalo
Chat qua Facebook
Gọi ngay: 0944.414.561